2019 được xem là một năm được mùa của các mạng xã hội Việt với sự ra đời của Hahalolo, Gapo, Lotus… Trong một thị trường hiện đang có khoảng 97 triệu dân, những mạng xã hội Việt mới ra đời không phải là không có cửa phát triển thêm người dùng.
Trên thực tế theo các con số thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng người dùng các mạng xã hội Việt hiện đạt mức 73 triệu: Đứng đầu là Zalo với gần 52 triệu người dùng tại thị trường Việt; tiếp đến là Mocha với 8,7 triệu; Gapo gần 3 triệu; còn lại khoảng 10 triệu thuộc về các mạng xã hội khác.
So với các mạng xã hội quốc tế có mặt tại thị trường Việt Nam như Facebook, YouTube, Viber…, lượng người dùng mạng xã hội Việt được cho rằng chỉ kém khoảng 7 triệu.
Tuy nhiên, trong khi lượng người dùng Facebook, YouTube, Viber… tại Việt Nam hiện đã ở mức cao và khó còn có thể tăng trưởng mạnh hay đột biến các mạng xã hội Việt mới mẻ nếu phát triển tốt các dịch vụ, tính năng phù hợp thị trường thì hoàn toàn có khả năng tăng trưởng mạnh được người dùng.
Cụ thể, hiện tỉ lệ người dân Việt Nam sử dụng Internet chiếm khoảng 60% dân số, trong khi đó tỉ lệ người dùng Facebook tại Việt Nam cũng đã tương ứng với mức này, chính vì thế dư địa tăng trưởng không còn nhiều, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tăng trưởng người dùng Internet.
Trong khi đó, tỉ lệ người dùng Internet đang sử dụng các mạng xã hội Việt ở mức còn rất thấp, thậm chí với nhiều mạng là chưa đáng kể, tương ứng dư địa để tăng trưởng còn rất lớn.
Thế khó về thương mại hóa
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một người trong ngành, ông Vũ Thanh Long – Giám đốc ứng dụng eDoctor – cho rằng, vấn đề quan trọng hơn đối với các mạng xã hội Việt là sau khi phát triển được người dùng thì phải giữ chân được họ. Muốn vậy, mạng xã hội Việt phải tạo ra được nhiều dịch vụ, tiện ích và giá trị gia tăng thiết thực và phù hợp với người dùng tại thị trường Việt.
Cái khó thứ hai đối với mạng xã hội Việt là vấn đề thương mại hóa. Zalo đã có hơn 50 triệu người dùng tại Việt Nam và cán mốc 100 triệu người dùng tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên nhiều năm qua, việc thương mại hóa của Zalo để tăng nguồn thu luôn là bài toán không dễ giải quyết.
Từ Hahalolo đến Gapo, Lotus, hiện chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn đầu tư. Gapo được cho rằng có mức đầu tư ban đầu 500 tỉ đồng còn Lotus sẽ đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng. Các mạng xã hội Việt vừa phải đầu tư nhưng cũng đồng thời phải giải bài toán thương mại hóa để có nguồn thu sớm sủa hơn nhằm tái đầu tư lại cho dự án. Đây được xem là phương án bền vững nhất để phát triển các mạng xã hội Việt về lâu dài.
Trong khi đó, các “ông lớn” quốc tế như Facebook, YouTube tại thị trường Việt Nam đã có doanh thu lớn từ nhiều năm qua, được cho rằng khoảng 300 triệu USD hàng năm, chiếm tới 80% doanh số thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.
Trong thế khó, các mạng xã hội Việt buộc phải tìm kiếm các phương thức kinh doanh mới. Nổi bật nhất trong chính sách đối với người dùng là từ Hahalolo, Gapo, Lotus đều nhắm đến phương án chia sẻ các khoản doanh thu với người dùng có thể lên đến 90% giá trị thu được, gắn quyền lợi của người dùng với nền tảng của nhà mạng để giữ chân họ lâu dài.
Tuy nhiên, vấn đề thách thức ở đây còn phụ thuộc vào từng người dùng khác nhau có khả năng thu hút được lượng người theo dõi lớn từ đó mới có nguồn thu đáng kể từ quảng cáo hay bán hàng.