Tại sao TikTok ‘gây bão’ trên toàn thế giới

TikTok là ứng dụng đầu tiên do Trung Quốc sản xuất đạt thành công vang dội ở thị trường nước ngoài, được xem là ngang tầm Facebook, Snapchat hay Instagram.

Đầu tháng 3/2019, ứng dụng video ngắn TikTok thuộc sở hữu của ByteDance, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, đã vượt qua mốc một tỷ lượt cài đặt trên toàn cầu trên cả hai nền tảng iOS và Android. Ứng dụng di động này cũng trở thành trào lưu tại các khu vực như Bắc Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Trong ứng dụng này, mọi người nhảy và hát nhép theo các bài hát. Mỗi video có thời lượng rất ngắn, chỉ khoảng chục giây và có thể lồng ghép nhiều hiệu ứng bắt mắt. Theo công ty nghiên cứu SensorTower, TikTok là ứng dụng phi trò chơi được tải xuống nhiều thứ tư trong năm 2018 và là ứng dụng phi trò chơi số một ở Mỹ trong tháng 1/2019. Những kết quả ấn tượng này khiến nó trở thành ứng dụng đầu tiên do Trung Quốc sản xuất đã “gây bão” trên phạm vi toàn thế giới.

TikTok cũng được so sánh ngang hàng với các tên tuổi lớn của Mỹ như Facebook, Snapchat, Instagram và YouTube. Thậm chí, nhân vật được theo dõi nhiều nhất trên YouTube, PewDiePie, cũng nói về TikTok hàng ngày trong các video của mình.

Thành công ở nước ngoài của TikTok cũng gây bất ngờ đối với nhiều người Trung Quốc, bởi ngay cả nền tảng truyền thông xã hội và nhắn tin đang thống trị ở quốc gia này là WeChat vẫn chỉ được xem như một “hiện tượng”.

WeChat, “siêu ứng dụng” tích hợp nhiều tính năng do Tencent phát triển có hơn một tỷ người dùng hoạt động hàng ngày. Nó cho phép người dùng trò chuyện, đọc tin, chơi game và đặt món ăn trực tuyến. WeChat từng cố gắng mở rộng ra thị trường quốc tế vào năm 2012, trước khi TikTok (còn được gọi là Douyin ở Trung Quốc) ra đời. Tuy nhiên, nó đã không thể tái tạo lại thành công như ở thị trường nội địa.

“Trước tiên, TikTok là một nền tảng nội dung, sau đó là một nền tảng truyền thông xã hội. Nó khác với WeChat”, Xie Pu, người sáng lập trang web công nghệ Techie Crab cho biết. “Âm nhạc và khiêu vũ là một dạng ngôn ngữ quốc tế”.

Xie cũng nhận định WeChat khi tấn công thị trường mới đã không làm tốt việc nội địa hóa, khiến nó không phù hợp với người dùng phương Tây. Trong khi đó, WhatsApp và Line đã tham gia sân chơi này sớm hơn so với WeChat.

Tất nhiên, việc TikTok bất ngờ vươn lên trở thành ứng dụng ngôi sao trên toàn cầu không phải là câu chuyện thành công chỉ sau một đêm. Bytedance, công ty phát triển ứng dụng này đã phải trải qua một quá trình thử nghiệm dài cũng như nhiều sai sót trước khi có thể chinh phục được thị trường nước ngoài. Cuối cùng, chức năng chỉnh sửa sáng tạo và dễ sử dụng của ứng dụng với khả năng cho phép người dùng tùy chỉnh video với nhiều hiệu ứng đặc biệt đã mang lại kết quả.

Bên cạnh đó, TikTok cũng phải đối phó với các vấn đề về quyền riêng tư cũng như yêu cầu phải bảo vệ người dùng trẻ giống như các nền tảng truyền thông xã hội khác. Tháng 7/2018, công ty đã đưa ra một số tính năng nâng cấp như cài đặt quyền riêng tư nâng cao, xóa tài khoản, truy cập tin nhắn riêng tư và cho phép phụ huynh kiểm soát con cái.

Không chỉ vậy, nhà phát triển này cũng nổi tiếng với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và BigData vào các sản phẩm lớn của mình. Việc này giúp họ hiểu rõ hơn về hành vi và thị hiếu của người dùng, từ đó cá nhân hóa cho từng đối tượng.

“Cuối năm 2014, chúng tôi đã do dự việc có nên tiếp tục làm về video ngắn hay không”, Zhang Yiming, người sáng lập kiêm CEO của Bytedance, từng chia sẻ. “Chúng tôi thấy Tencent và Meipai đăng quảng cáo trên tàu điện ngầm và cả thành công bước đầu của Kuaishou, ứng dụng tương tự TikTok. Chúng tôi nghĩ mình đã bỏ lỡ xu hướng video ngắn và không chắc có đủ năng lượng để tiếp tục làm việc với nó”.

Tuy nhiên Zhang và các đồng nghiệp của mình đã kiên trì và thành công. Hai năm sau, 2016, CEO trẻ này nhận ra mình phải tiếp tục đẩy mạnh xu hướng video ngắn, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Đây cũng là bước ngoặt dẫn tới một loạt quyết định thâu tóm các công ty đình đám ở nước ngoài.

Tháng 2/2017, Bytedance đã mua lại ứng dụng video Flipgram của Mỹ. Cùng năm đó, công ty tiếp tục mua lại ứng dụng hát nhép nhạc nổi tiếng musical.ly. Các nhà phân tích cho rằng sự phát triển nhanh chóng của TikTok trên toàn cầu và đặc biệt là ở Mỹ, chịu ảnh hưởng lớn bởi các thương vụ mua lại và sáp nhập trên. Chúng giúp TikTok có thể rút ngắn thời gian, giảm chi phí và bớt khó khăn trong việc khai phá các thị trường mới cũng như nhanh chóng hòa nhập với một nền văn hóa khác biệt.

Tencent từng cố gắng đi theo con đường này bằng cách cố mua lại WhatsApp vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, công ty đã bị Facebook nẫng tay trên khi đưa ra mức giá cao gấp đôi cùng một thỏa thuận ngầm, theo một báo cáo của Bloomberg.

Ngoài ra, một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của TikTok là sự khác biệt về nội dung. Người dùng Douyin và TikTok được ngăn cách với nhau để tránh việc những nội dung “có vấn đề”, sáng tạo ra ở nước ngoài được xem bởi người dùng Trung Quốc. Nói một cách đơn giản thì người dùng Douyin không thể xem video được đăng trên TikTok. Ngược lại, như với WeChat, người dùng có thể gửi tin nhắn cho nhau ở bất cứ nơi nào ứng dụng được tải xuống, tại Trung Quốc hoặc Mỹ.

Dẫu vậy, việc nổi tiếng ở nhiều khu vực khác nhau cũng kéo theo các thách thức mới, điển hình là sự chú ý của các nhà quản lý địa phương. Tháng trước, TikTok đã bị phạt 5,7 triệu USD liên quan tới các khiếu nại vì thu thập thông tin bất hợp pháp như tên, địa chỉ email và vị trí của người dùng dưới 13 tuổi. Công ty sau đó đưa ra tuyên bố, cam kết sẽ tạo ra thêm các biện pháp để bảo vệ người dùng, bao gồm các công cụ dành cho cha mẹ để bảo vệ con cái họ.

-St-

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *