Trên phương diện nghệ thuật, Mắt Biếc là một tác phẩm được đầu tư chỉn chu và nghiêm túc cả về kịch bản, hình ảnh lẫn âm nhạc. Mối tình không có bắt đầu cũng chẳng thể có kết thúc của Ngạn và Hà Lan hẳn cũng đã lấy đi nước mắt của không ít khán giả. Nếu nhìn từ góc độ kinh doanh, câu chuyện giữa Ngạn, Hà Lan và Dũng “sở khanh”, cũng mang đến nhiều bài học quản trị thú vị mà ai cũng cần ghi nhớ.
1. Theo đuổi khách hàng không thích mình
Trong phim, Ngạn đã đổ gục trước đôi mắt biếc của Hà Lan và đem lòng thương mến cô bạn từ nhỏ. Lớn lên, chàng trai vẫn giữ tấm lòng thủy chung ấy, mặc cho tình cảm của Hà Lan chỉ hướng về Dũng. Để rồi, khi thanh xuân đã qua đi, Ngạn vẫn chẳng thể có được người con gái mình yêu. Thêm nữa là hình ảnh chiếc guitar. Ngạn sáng tác, đánh guitar gỗ rất giỏi nhưng đáng tiếc, Hà Lan chỉ thích âm thanh hiện đại từ chiếc guitar điện của Dũng mà thôi. Làm kinh doanh cũng vậy, kiên trì theo đuổi khách hàng không thích mình là điều hết sức tốn thời gian và vô ích. Shark Thái Vân Linh cũng từng chia sẻ thế này: “Với bất cứ thứ gì bạn tạo ra, sẽ có người yêu thích nó, ghét nó và những người không quan tâm. Bạn chỉ cần tập trung đến những người yêu thích nó bởi vì những người ghét và không quan tâm sẽ không mua sản phẩm của bạn. Những người yêu thích sẽ quay trở lại để mua thêm, sẵn sàng để mua bất kỳ sản phẩm mới của bạn và chia sẻ với bạn bè của họ. Nếu cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, kết quả là bạn sẽ không làm ai hài lòng.”
2. Sản phẩm tốt là chưa đủ
Xem Mắt Biếc, không ai có thể phủ nhận rằng Ngạn là một người đàn ông tốt. Chàng trai ấy, từ nhỏ đã không ngại xả thân để bảo vệ cô bạn mắt biếc, lớn lên chẳng sợ lời dèm pha của xã hội mà chăm sóc cho mẹ con Hà Lan. Nhưng như cư dân mạng thường nói, “trai hư thì không tốt nhưng trai tốt lại chẳng vui”. Sản phẩm của bạn cũng vậy. Chất lượng tốt là điều cốt lõi khiến khách hàng quay lại và giúp doanh nghiệp kinh doanh bền vững, nhưng chỉ vậy chưa đủ. Nếu không biết cách sales, marketing hay truyền thông thương hiệu để giúp nó trở nên thú vị, thu hút và lọt vào “mắt xanh” của “thượng đế” thì có tốt đến đâu, sản phẩm cũng chỉ mãi nằm trong kho.
3. Thời điểm
Ngày ấy, trong rừng sim, nếu Ngạn không bỏ lỡ nụ hôn đầu với Hà Lan, chuyện có thể đã khác. Và khi thời điểm vàng đi qua, tình yêu cũng dần vụt khỏi tầm với. Trong kinh doanh hay quản trị cũng vậy, thời điểm là yếu tố vô cùng quan trọng. Đơn cử như dân sales, nếu khách hàng đã sẵn lòng mua mà không chốt ngay, người khác sẽ làm thay bạn. Với startup, thời điểm là một trong năm yếu tố quyết định thành bại, bên cạnh đội ngũ, sản phẩm, mô hình kinh doanh và vốn. Lấy thị trường thương mại điện tử làm ví dụ, Chủ tịch Tập đoàn FPT từng chia sẻ gần đây: “Bây giờ mà ai vào TMĐT thì tôi khuyên thôi quên đi, vì bạn vào muộn quá rồi. Nếu bạn vào 15 năm trước thì tôi bỏ phiếu thôi, chứ bây giờ bạn vào muộn quá. Mà khi đã muộn quá thì bạn biết đấy, đốt tiền vô tội vạ”. Còn theo chuyên gia về nghệ thuật quản lý nổi tiếng John C. Maxwell, một nhà lãnh đạo hành động sai thời điểm sẽ mang đến hậu quả khôn lường. Hành động sai, tại thời điểm sai sẽ dẫn đến thảm họa. Một hành động đúng nhưng không đúng thời điểm sẽ bị chối bỏ. Hành động sai tại thời điểm đúng cũng là một sai lầm. Hành động đúng tại thời điểm đúng sẽ mang lại thành công. Vậy nên thầy Ngạn ơi, nếu một ngày có hứng chuyển hướng sang kinh doanh, hãy nhớ lấy 3 bài học này để gia tăng khả năng thành công nhé!
Nguồn: Cafebiz