6 xu hướng Facebook Marketing mà Doanh Nghiệp Việt nên biết vào năm 2020
1. Facebook Stories
Có thể bạn sẽ bất ngờ với số liệu hiện nay: Facebook Stories đã có trên 500 triệu người sử dụng và 1 tỉ lượt đăng tải hàng ngày. Mặc dù đa số doanh nghiệp chưa từng để ý đến, Mark Zuckerberg đã nghĩ rằng Facebook Stories sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của Social Media. Có nhiều lý do để Mark đưa ra nhận định này:
Khả năng update nhanh: việc chia sẻ trên Newfeed quá chật chội khiến người dùng không cảm thấy họ được quan tâm. Khi đăng tải một thông tin lên Stories, tin đó sẽ được cập nhật gần như ngay lập tức đến bạn bè đang online. Người dùng có xu hướng coi Stories như một Newfeed thứ 2 để cập nhật liên tục cuộc sống hàng ngày.
Sự tạm thời: thực tế rằng, nhiều người dùng thích việc bài đăng của họ không tồn tại lâu, qua đó họ có thể thể hiện những góc rất nhỏ của cuộc sống. Một cảm xúc, một suy nghĩ chỉ đúng trong một khoảng thời gian nhất định. nếu đăng tải lên newfeed, người dùng sẽ phải xem lại những thứ ngớ ngẩn họ đăng dài dài.
Hãy lưu ý đến Facebook Stories khi quản trị Fanpage nhé. Có một số đầu việc cần phải lên kế hoạch cụ thể là:
- Đăng cái gì
- Tần suất đăng
- Các ý tưởng sáng tạo mà bạn muốn thử
- Ngân sách mà bạn có thể dành cho hoạt động mới này
Một số loại nội dụng bạn nên thử trong Facebook Stories:
- Nội dung hậu trường
- Hướng dẫn sử dụng sản phẩm
- Tường thuật các sự kiện
- Ảnh sản phẩm
- Ảnh khách hàng
- Kể chuyện bằng series ảnh
- ….
Hãy nhớ rằng mọi người chia sẻ Stories để thể hiện bản thân trong cuộc sống hàng ngày. Thương hiệu cũng tương tự, hãy đảm bảo rằng bạn đăng đa dạng nội dung giữa Newsfeed và Stories của mình.
2. Livestream tương tác
Câu chuyện về livestream thì không có gì mới, đó là xu hướng không thể cưỡng lại. Nhưng câu chuyện của 2020 sẽ là Livestream thuần túy kết hợp với công nghệ tương tác. Hiện nay đã có rất nhiều công cụ giúp bạn livestream một cách chuyên nghiệp hơn. Bạn có thể tổ chức minigame, quiz, vòng quay may mắn, bình chọn trực tiếp, phỏng vấn, câu hỏi trắc nghiệm… rất rất nhiều thứ ngay trên Livestream, người dùng sẽ hứng thú tương tác ngay lập tức với chương trình. Hình thức này sẽ gần giống Facebook Confetti.
Nhiều công cụ khác có thể dễ dàng tìm thấy trên Google, cả Tool nước ngoài và Việt Nam. Tuy nhiên mình chỉ đưa keyword chứ không đề xuất một công cụ cụ thể nào.
3. Lợi nhuận tốt
Để có thể hiểu một cách bình dân thì mình chia 2 trường hợp thế này:
- Nếu bạn bán một sản phẩm cho nhiều người, mỗi người bạn lấy lãi một chút, đó là lợi nhuận tốt.
- Nếu bạn bán một sản phẩm cho ít người, mỗi người bạn lấy lãi cao, đó là lợi nhuận xấu.
Mặc dù trong cả 2 trường hợp, xét về góc độ kinh doanh, 2 người bán có thể thu về 1 khoản lợi nhuận như nhau, nhưng rõ ràng sự hài lòng của khách hàng là khác nhau. Trong trường hợp lợi nhuận xấu, để bán được hàng giá cao, người bán đã phải lấy một phần lớn doanh thu để trả cho chi phí bán hàng, chi phí marketing và quảng cáo. Thực tế, không khách hàng nào muốn mua 1 sản phẩm giá cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó. Khách hàng sẽ không vui nếu biết rằng 30-50% giá của món hàng là để trả cho quá trình món hàng đến được tay họ.
Đến đây chắc các bạn cũng thấy, mô hình lợi nhuận xấu chính là mô hình đã tung hoành trên Facebook nhiều năm vừa qua. Người bán nhập hàng độc lạ (hay còn gọi là hàng trend) với giá rẻ, rồi nhân 5-10 lần lên thành giá bán. Phần lớn chi phí không phải nằm ở giá vốn nhập hàng, mà nằm ở chi phí quảng cáo. Mô hình lợi nhuận xấu không phải xuất phát từ cái tâm của người bán, ở đây chúng ta không hề bàn về đạo đức. Lợi nhuận xấu xuất hiện khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Giả sử có cách nào đó, để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khách hàng, thậm chí là khách hàng tự tìm kiếm doanh nghiệp; đồng thời chi phí bán hàng và Marketing kéo về rất rất thấp, chỉ một vài phần trăm. Liệu cách đó có tồn tại?
Mình xin trả lời luôn là có, đó chính là mô hình hoạt động của các sàn TMĐT. Với mô hình sàn, doanh nghiệp không cạnh tranh nhau bằng quảng cáo. Doanh nghiệp cạnh tranh bằng giá, chất lượng sản phẩm, khả năng chăm sóc khách hàng. Doanh nghiệp chỉ lãi được chục nghìn trên 1 đơn hàng, nhưng mỗi ngày có thể bán được hàng nghìn đơn. Toàn bộ chi phí bán hàng/giao vận được tối ưu nhờ quy mô lớn. Khách hàng mua trên sàn sẽ được lợi vì mức giá vô cùng sát với giá trị thật của sản phẩm. Mình tạm gọi đó là lợi nhuận tốt.
Các sàn hiện nay đã có lượng traffic trung thành ổn định, đặc biệt là Tiki và Shopee. Việc khách hàng nhìn thấy sản phẩm trên Facebook, rồi lên sàn để tìm mua đang ngày càng phổ biến. Mặc dù vấn nạn hàng kém chất lượng và ngành công nghiệp review giả vẫn là vấn đề nan giải, nhưng những khó khăn đó không thể ngăn sàn TMĐT trở thành vua bán hàng. Facebook thì sẽ ngày càng về đúng với giá trị của nó là một mạng xã hội, là nơi nhãn hàng giao tiếp với khách hàng, chứ không phải là nơi mua sắm như bây giờ.